20 sản phẩm được đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao lần thứ nhất.

Hội đồng OCOP Quốc gia đã đánh giá 20 sản phẩm OCOP đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt OCOP 5 sao. Các sản phẩm này đến từ 11 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Sơn La, Kon Tum, Bắc Kạn, An Giang, Sóc Trăng, Hà Nội, Quảng Ninh, Lâm Đồng.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm được đề nghị công nhận đạt OCOP 5 sao.

Đây là nhóm sản phẩm đầu tiên được xét OCOP hạng 5 sao ở Việt Nam và cuộc họp hôm nay là phiên đánh giá lần cuối cùng trước khi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận những sản phẩm này.

Trà xanh (hộp bà cụ 100 gram) – sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang được Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá sản phẩm 5 sao đạt 95 điểm.

Trước đó, có 43 sản phẩm OCOP của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đưa ra trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia để đánh giá, phân hạng, bình chọn sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 5 sao. Hội đồng đánh giá chuyên ngành số 1 đánh giá 24 sản phẩm OCOP  của 9 tỉnh, thành phố; Hội đồng đánh giá chuyên ngành số 2 đánh giá 10 sản phẩm OCOP của 2 tỉnh, thành phố và Hội đồng đánh giá chuyên ngành số 3 đánh giá 9 sản phẩm OCOP của 6 tỉnh, thành phố.

Sản phẩm gạo thơm đặc sản Thiên Vương của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, tỉnh An Giang. được công nhân OCOP 5 sao

Sau khi xem xét đánh giá kỹ lưỡng, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và nhiều Bộ, ngành, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã thống nhất chọn 20 sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao lần thứ nhất.

Trong 20 sản phẩm OCOP đạt từ 90 điểm trở lên, nổi bật nhất là đã đảm bảo được nhãn mác, quy định, vùng nguyên liệu và nguồn lao động. Đặc biệt, mỗi sản phẩm lại mang nét đặc trưng riêng của từng địa phương. Điểm khác biệt trong số các sản phẩm tiềm năng 5 sao thì có tới 37% chủ thể là phụ nữ.  Đây là điểm nổi bật mà Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng sẽ là cơ sở để khơi dậy tiềm năng của mỗi địa phương, qua đó khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển chương trình OCOP. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với Bộ NNPTNT, trong đó, Thủ tướng rất quan tâm đến Chương trình OCOP.  Hiện, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhanh chóng hoàn chỉnh Đề án Chương trình OCOP Quốc gia, giai đoạn 2021-2025. “Tại kỳ họp tới đây Quốc hội sẽ thông qua chủ trương về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Sau đó, Bộ NNPTNT sẽ trình Thủ tướng Đề án Chương trình OCOP Quốc gia, giai đoạn 2021-2025” – ông Nam thông tin.

Việc sản phẩm OCOP được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt 5 sao không chỉ khẳng định chất lượng, thương hiệu của sản phẩm được nâng tầm quốc gia mà còn mở ra cơ hội tiêu thụ tốt sản phẩm ở thị trường trong nước đồng thời hướng đến xuất khẩu. Thực tế, một số sản phẩm OCOP được xem xét công nhận đạt 5 sao lần này đã xuất khẩu ra nước ngoài như miến dong Tài Hoan xuất khẩu sang CH Séc.

Đồng thời, thúc đẩy, tạo cơ chế, điều kiện để sản phẩm OCOP phát triển  góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống ở vùng nông thôn. Qua đó, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, thiết thực và bền vững hơn.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Khang Vũ