Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đó là tinh thần chính của hội nghị giao ban quý I, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân”…

Những kết quả nổi bật

Cho đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội có 2 huyện Đan Phượng và Đông Anh đạt chuẩn NTM; 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình công nhận. Có 255/386 xã (chiếm 66,06%) được TP công nhận đạt chuẩn NTM. Trong số 131 xã còn lại, theo kết quả tự thẩm định của các địa phương, có 5 xã đã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, có 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 – 18 tiêu chí, có 39 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 – 14 tiêu chí.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm, đa số người dân có nhà kiên cố; 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở một số huyện tương đối cao như Đan Phượng (80%), Phúc Thọ (80,2%), Phú Xuyên (75%), Chương Mỹ (76%)…

Về môi trường và an toàn thực phẩm, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, trong đó 38% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế; 84% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% rác thải sinh hoạt được thu gom theo quy định; có 353/386 xã đạt và cơ bản đạt, còn 33/386 xã chưa đạt.

Một số địa phương đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân như huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh, Thường Tín.

Về tổng kinh phí, thời gian qua TP đã huy động đầu tư cho NTM đến nay gần 14.865 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách TP hơn 7.191 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 6.085 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 411 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách gần 1.177 tỷ đồng…

Một mô hình nhà màng ở ngoại thành Hà Nội

Phấn đấu thêm 22 xã, 2 huyện NTM

Tại hội nghị, các quận huyện, thị xã và các Sở, ngành của TP đã tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề như phát triển sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, xây dựng NTM, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, cụm làng nghề và các nội dung tuyên truyền cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Trong đó, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt kế hoạch sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, các đề án, dự án đã được phê duyệt; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực của ngành. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản Thủ đô, đồng thời sớm tham mưu ban hành hướng dẫn xây dựng và phê duyệt các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.

Phấn đấu xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó TP sẽ có một điểm với quy mô lớn và dần mở rộng mỗi huyện có ít nhất một điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nguồn:

Theo nongsanviet.nongnghiep.vn – Lê Tâm