Sơn La: Nhãn chín sớm Sông Mã – được mùa, được giá

Nổi danh nhãn sớm Sông Mã 

Vài năm trở lại đây, giống nhãn sớm Sông Mã trở nên nổi tiếng không chỉ bởi cho năng suất cao, mà còn hấp dẫn người ăn bởi vị ngon ngọt, mẫu mã đẹp, được nhiều thương lái thu mua tận nơi, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. 

Các hộ dân tại Sông Mã thu hoạch những chùm nhãn sớm, căng mọng, sai trĩu cành.

Thời điểm này, còn còn hơn một tháng nữa mới tới chính vụ nhãn, nhưng ở các khu vườn ở Sông Mã, nhiều hộ dân đã bắt đầu thu hoạch nhãn sớm với giá thu mua của thương lái khoảng 60.000 đồng/kg. Sở dĩ, người dân huyện Sông Mã có loại nhãn sớm khác biệt là do nông dân đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm điều khiển việc ra hoa, đậu quả của nhãn sớm hơn mùa vụ thông thường.

Theo Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoa Mười, anh Lường Văn Mười cho biết, hiện HTX có khoảng 30 ha trồng nhãn Miền, Mỗi năm, vườn nhãn sớm này cho sản lượng từ 230 – 270 tấn, đến chính vụ thường bán được giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Về nhãn chín sớm, hai năm trước, anh Mười cùng các xã viên mạnh dạn mua giống về ghép thử nghiệm nhãn sớm, thấy hiệu quả nên từng bước mở rộng thêm. Đến nay, HTX có 10 ha nhãn sớm, trong đó hơn 1 ha đã cho thu hoạch. Nhãn sớm có chất lượng cao, được thu mua tại vườn với giá cao hơn nhãn chính vụ gấp 3-4 lần.

Để có được sản phẩm nhãn sớm Sông Mã, người nông dân phải thực hiện kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt, tốn nhiều công sức và phải đúng thời kỳ, thời điểm. Sau khi thu hoạch, phải theo dõi sát sao sự phát triển của cây nhãn và căn cứ vào thời tiết để xác định thời điểm tác động; thường từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm, người trồng đều khoanh cành, kích thích cho cây ra hoa. Đến khi vỏ cây nhãn liền, phải tiến hành tưới nước đầy đủ để thường xuyên duy trì độ ẩm và bón phân, đảm bảo dinh dưỡng cho cây nhãn.

Tại gian hàng trưng bày của huyện Sông Mã ở Festival trái cây và các sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, diễn ra ở thành phố Sơn La vừa qua, những chùm nhãn sớm Sông Mã căng mọng, ngọt lịm đã thu hút sự chú ý của du khách gần xa. Nhiều người mong muốn sau này được biết kinh nghiệm trồng và chăm sóc nhãn sớm từ Sông Mã, áp dụng đưa vào từng địa phương đang sản xuất để có năng suất cao hơn, mang lại thu nhập tốt hơn. 

Đưa nhãn sớm thành cây trồng chủ lực ở Sông Mã

Được biết, Huyện Sông Mã hiện có hơn 7.500 ha diện tích trồng nhãn, trong đó có khoảng 300 ha nhãn sớm, tập trung ở các xã Chiềng Khoong, Chiềng Khương và Nà Nghịu.

Huyện Sông Mã hiện có hơn 7.500 ha diện tích trồng nhãn, trong đó có khoảng 300 ha nhãn sớm

 Với mục tiêu đến năm 2030 có gần 1.000 ha nhãn sớm, huyện Sông Mã đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và Ủy ban Nhân dân các xã tích cực phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả, tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân ghép các giống nhãn sớm để thực hiện rải vụ, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn. Ngoài ra, để hỗ trợ kỹ thuật các hợp tác xã, hộ gia đình canh tác nhãn sớm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật cắt ghép, đặc biệt là phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại.

Huyện Sông Mã đặt mục tiêu  đến năm 2030 có gần 1.000 ha nhãn sớm

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Mã cho biết: Việc nhân rộng diện tích nhãn sớm nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thực hiện rải vụ, trái vụ nông sản. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, huyện Sông Mã cũng đã thành lập các đoàn công tác liên ngành, lấy mẫu nhãn chín sớm, test (kiểm tra) dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư.

Đại diện huyện Sông Mã cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn sớm, không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và phải bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Tường Vi