Thanh Hóa: Đa dạng hóa kênh tiêu thụ để ổn định đầu ra cho nông sản

Thanh Hóa đa dạng kênh tiêu thụ nông sản

Việc phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ nông sản là một hướng đi đang được nhiều đơn vị của tỉnh Thanh Hóa quan tâm thực hiện. Đây cũng được cho là xu thế tất yếu trong tương lai, nhằm hạn chế việc lệ thuộc vào một hoặc một số kênh tiêu thụ, giảm rủi ro, nâng cao giá trị nông sản. 
Theo đó, HTX rau an toàn Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát triển đa kênh tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Chí Công, giám đốc HTX rau an toàn Hoằng Hợp: Thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát, trung bình mỗi ngày HTX sản xuất và đưa ra thị trường 1 – 1,5 tấn rau. Trong đó, 50% sản lượng được bán cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn; 30% tiêu thụ qua siêu thị; 20% còn lại được tiêu thụ qua các cửa hàng thực phẩm sạch của HTX cũng như hệ thống cửa hàng của các đối tác trong và ngoài tỉnh. Nhờ việc tiếp cận được với kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, hệ thống các cửa hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nên giá bán cao và đầu ra của sản phẩm nông sản cơ bản ổn định.

Khách hàng dễ dàng tiếp cận nông sản sạch tại hệ thống các siêu thị lớn ở Thanh Hóa

Có thể nói, cùng với các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, việc tiêu thụ nông sản qua các kênh hiện đại càng được các HTX, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông sản ở Thanh Hóa quan tâm phát triển. Các kênh được ưu tiên lựa chọn có thể kể tới như siêu thị, cửa hàng tiện ích, sàn thương mại điện tử… Đặc biệt, trong những năm gần đây, do tác động của đại dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang dần trở nên phổ biến. Nhiều đơn vị đã chủ động tìm đến các sàn thương mại điện tử để đăng ký, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. 

Tham quan mô hình sản xuất nông sản hữu cơ

Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Giám đốc Kinh doanh Công ty Nông sản công nghệ cao Thiên Trường 36 (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, hiện công ty có 2 sản phẩm OCOP 3 sao là dưa Kim Hoàng hậu và dưa chuột baby, với tổng sản lượng khoảng 100 tấn/năm. Một năm qua, các mặt hàng này đã được đưa lên sàn nongsanantoanthanhhoa.com.vn và một số trang bán hàng online của các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên cũng cho biết thêm, hiện công ty đang liên kết với một số đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ nên sản lượng lớn. Việc quảng bá, bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử là yếu tố rất quan trọng để quảng bá và tăng doanh thu bán hàng, tham gia thương mại điện tử giúp Công ty kết nối được các đối tác tìm đến đặt hàng nông sản được thuận tiện.

Ổn định đầu ra trong tiêu thụ nông sản 

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chung là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường. 

Nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh hơn nhờ việc tiếp cận đa kênh

Đây sẽ là một cơ hội lớn để các đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp cận với các chính sách ưu đãi trong tiếp cận các kênh tiêu thụ hiện đại, phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, để nắm bắt được cơ hội này, các đơn vị cũng cần nâng cao năng lực nội tại, xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình.

Mô hình trồng rau an toàn của HTX Hoằng Hợp 

Vì vậy, để sản phẩm nông sản được tiếp cận với nhiều kênh phân phối hiện đại, các cấp chính quyền, các ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, ngành nông nghiệp rà soát, cung cấp danh sách đơn vị, HTX, cơ sở sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, thông tin tới doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm để kết nối, hợp tác. 

Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành cung cấp thông tin về doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi phân phối, chế biến, xuất khẩu… cho các địa phương sản xuất hàng nông sản bảo đảm chất lượng để các tập thể, cá nhân hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, thông qua các triển lãm, hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại… ngành công thương Thanh Hóa sễ triển khai nhiều chương trình cho các nhà sản xuất, nhà phân phối gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp đồng tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Tường Vân