Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp

Theo giới chuyên gia, để phát triển bền vững trong tương lai, nông nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, chứ không dừng lại ở canh tác, sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống. Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại cơ hội mở rộng cao hơn.

Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, cần được khơi thông để giúp “dòng chảy” này lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Chuyển đổi số đang là tất yếu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Cùng với việc nhân rộng các mô hình khởi nghiệp thành công, thì chuyển đổi số ngành nông nghiệp còn đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, toàn diện và nông dân phải là trung tâm chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với sự phát triển của nông nghiệp số trên cả nước, sản xuất nông nghiệp đang có những thay đổi, bắt kịp xu thế nhằm tạo dựng môi trường nông nghiệp số trên địa bàn.

Phun phân dạng lỏng và thuốc bảo vệ thực vật bằng Drones

Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Đã có nhiều nông dân xuất sắc, dẫn dắt hàng triệu hội viên nông dân cùng chuyển đổi số. Nhiều nông dân đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Mọi chính sách phải hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ở chiều ngược lại, nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, người đứng đầu phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của nền nông nghiệp Việt Nam để đạt hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng và mang lại lợi ích cho nhiều nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã. Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “xóa bỏ” cách làm cũ. Mỗi bước đi cần thận trọng, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh lạm dụng xảy ra quá tải và lạc hướng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học xã hội chỉ ra vấn đề tồn tại là nhiều nông dân Việt Nam chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, không nắm được những việc cần phải làm để tiến hành chuyển đổi số. Khi họ bước vào công cuộc chuyển đổi số thì đầy gian nan, thách thức mặc dù biết đây là cơ hội rất lớn để làm cuộc “đại thay đổi” cho ngành nông nghiệp cũng như các hộ sản xuất. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Chuyển đổi số sao cho hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp như thế nào, dự báo về cung cầu thị trường,… đang là những băn khoăn của nông dân.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan và các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân tiếp cận chuyển đổi số, giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử. Đồng thời, triển khai ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, cải thiện chất lượng, mẫu mã, chuẩn hóa sản phẩm ; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi số.