An Giang: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Hiện tỉnh An Giang đã triển khai xây dựng 20/20 nhà lưới theo mô hình NNCNC như trồng lúa, nấm và rau màu nhằm giúp nông dân giảm chi phí tăng lợi nhuận, cho ra thị trường sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.

An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó cây màu phát triển rất mạnh và còn nhiều tiềm năng. Để khai thác hiệu quả hơn, đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch chất lượng, năng suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) tại một số địa phương.

Hiện tỉnh An Giang đã triển khai xây dựng 20/20 nhà lưới theo mô hình NNCNC như trồng lúa, nấm và rau màu nhằm giúp nông dân giảm chi phí tăng lợi nhuận, cho ra thị trường sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Huyện An Phú là một trong những huyện nằm giáp biên giới nhưng đã triển khai các mô hình trên.

Theo Phòng NN-PTNT huyện An Phú, mỗi năm huyện trồng trên 7.400ha rau màu các loại với sản lượng trên 50.000 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu các tỉnh ĐBSCL và xuất khẩu sang Campuchia. 

Để triển khai mô hình SX rau màu NNCNC, huyện chọn xã Khánh An và Phú Hữu để thực nghiệm, bước đầu đã đem lại khá thành công. Đến nay đã triển khai mở rộng diện tích trên các địa bàn khác trong huyện. Tiêu biểu là mô hình ở xã Khánh An do Sở KH-CN hỗ trợ; mô hình ở xã Phú Hữu do DNTN Thủ Tuyền đầu tư xây dựng nhà lưới, nông dân xã Phú Hữu hỗ trợ mặt bằng xây dựng nhà lưới, Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ kỹ thuật thiết kế nhà lưới. 

Điểm nổi bật nhất mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đã mang lại thành công nhiều vụ do Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao An Phú (huyện An Phú) tiên phong áp dụng. Cty trồng 3 vụ dưa lưới trên diện tích 1.000m2, trồng trong vòng 75 ngày cho thu hoạch trên 3,6 tấn. Đặc biệt dưa trồng ra được được Cty Vuông Tròn ở TP.HCM bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg (loại trên 2kg/trái) và 25.000 đồng (loại dưới 2kg/trái), thu trên 98 triệu đồng, trừ chi phí, lãi gần 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Bửu, Trưởng trạm BVTV huyện An Phú cho biết, dưa lưới có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon. Quy trình kỹ thuật rất khắt khe, không trồng ngoài đất được vì gặp mưa sẽ bị thối trái và không sử dụng thuốc trừ sâu nên phải trồng trong nhà lưới để cách ly sâu bệnh. 

Ngoài ra, dưa lưới trồng trong chậu nên điều tiết dinh dưỡng theo từng giai đoạn khác nhau thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Chi phí đầu tư 1.000m2 là 550 triệu đồng. Dự kiến, lãi hơn 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Theo ông Bửu, hiện nay, nhu cầu NNCN là rất lớn, DN đặt hàng với số lượng lớn để cung cấp cho siêu thị và xuất khẩu, nhưng nguồn cung không đủ. Sắp tới, Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao An Phú mở rộng diện tích và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân có nhu cầu.

Ông Bửu cho biết thêm, nông dân ở đây chủ yếu trồng cây màu và lúa trong khi hiện nay giá cả bấp bênh, khó thoát nghèo. Từ đó, lãnh đạo huyện quyết tâm thay đổi bằng cách đi học tập mô hình mới bằng công nghệ sạch về áp dụng để nhân rộng.

Ông Nguyễn Phước Thành, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục BVTV An Giang cho biết, mô hình NNCNC bước đầu mang lại hiệu quả tốt cho ngành nông nghiệp. Tỉnh đang chủ trương nhân rộng, đồng thời nhờ các chuyên gia ở các viện, trường… xuống tập huấn kỹ thuật thêm để nông dân tiếp cận trình độ canh tác mới giúp tăng lợi nhuận và cho ra sản phẩm chất lượng.

Nguồn:

Theo nongsanviet.nongnghiep.vn – BẢO YẾN