Bắc Kạn: Xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch

Sản phẩm OCOP du lịch tiêu biểu Bắc Kạn

Xây dựng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch là một trong những mục tiêu của tỉnh Bắc Kạn trong quá trình thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025.

Homestay Quỳnh Mai, sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch tiêu biểu của Bắc Kạn

Định hướng này nhằm khai thác những ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp cùng những sự đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc… Đây cũng chính là tiềm năng để Bắc Kạn tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế du lịch. 

Homestay Quỳnh Mai ở thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là một trong 2 mô hình đạt chứng nhận OCOP 3 sao dành cho những sản phẩm lĩnh vực du lịch, dịch vụ tỉnh Bắc Kạn năm 2021. Cơ sở này đã được cơ quan chuyên môn ở địa phương hướng dẫn chi tiết các thủ tục hồ sơ, xây dựng cơ sở vật chất và phương án kinh doanh đáp ứng các tiêu chí hình du lịch gắn với lợi ích của người dân và có sự tham gia của cộng đồng như thành lập các tổ nhóm phục vụ chèo thuyền kayak, nhóm dịch vụ xuồng, nhóm phục vụ văn nghệ… Tất cả các nhóm này đều được đào tạo cơ bản về kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách và điều đặc biệt là không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, không khai thác gỗ trái phép phục vụ trong lĩnh vực du lịch.

Chị Đàm Quỳnh Mai, chủ Homestay Quỳnh Mai cho biết: “Tham gia chương trình này vì tôi muốn sản phẩm dịch vụ của gia đình có thương hiệu, sẽ thu hút du khách hơn. Homestay của chúng tôi từ đầu đã thiết kế xây dựng dựa trên nguyên liệu sẵn có của địa phương, thân thiện với môi trường. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để được công nhận là sản phẩm OCOP”.

GREEN HOMESTAY, một trong điểm đạt tiêu chuẩn OCOP du lịch của Bắc Kạn

Anh Đồng Văn Hoán, chủ cơ sở Ba Bể Green Homestay tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể thì cho rằng, để đạt được tiêu chuẩn OCOP và phát huy được thương hiệu, mỗi đơn vị cần tạo sự khác biệt và thể hiện được tính chuyên nghiệp trong mô hình:  “Chương trình OCOP rất có ý nghĩa, bởi muốn đạt 3 sao mình phải đạt các yêu cầu về quảng bá, cam kết bảo vệ môi trường, có hợp đồng dịch vụ liên kết với nhau… Sắp tới, dù dịch bệnh khách du lịch ít, tôi vẫn sẽ đầu tư thêm một số hạng mục, chỉnh trang lại nhà cửa đạt đúng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn”.

Bắc Kạn nhân rộng sản phẩm OCOP du lịch

Thời gian quan Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã được chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn thực hiện có hiệu quả, góp phần khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân bản địa. Từ thành công của 2 mô hình sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên, huyện Ba Bể đã tiếp tục cử cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh doanh dịch vụ đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm OCOP. 

Những dịch vụ như du lịch trải nghiệm, tắm hồ… thu hút du khách đến với Ba Bể 

Không chỉ là xây dựng mô hình du lịch thương hiệu, ngành du lịch địa phương còn xác định phải gắn các sản phẩm nông, lâm sản OCOP để tạo thêm sự hấp dẫn đối với du khách. Đó chính là lý do thời gian qua huyện Ba Bể đã quy hoạch các điểm bán sản phẩm OCOP và xây dựng thêm các dịch vụ du lịch đa dạng mang tính đặc trưng của địa phương.

Bà Ma Thị Cử – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: “Những giải pháp về đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phải gắn với bảo tồn với những giá trị văn hóa truyền thống. Ví dụ như thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ chọn một số nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc bản địa để phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sức hút du khách. Như nghề dệt của dân tộc Tày, nghề thêu may trang phục truyền thống của dân Mông, Dao…”.

Ngoài khu vực hồ Ba Bể, thời gian qua, Bắc Kạn đã có thêm một số mô hình du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động trải nghiệm như tại hồ Chúa Lải, huyện Chợ Mới; Du lịch cộng đồng thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể; Du lịch trải nghiệm chụp ảnh, hái dâu tây tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn… Tất cả đều là những mô hình có thể nâng tầm phát triển thành thương hiệu OCOP. 

Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở VH, TT&DL Bắc Kạn cho biết: “Bắc Kạn có đến 60% là các phẩm nông nghiệp phong phú. Đây là thế mạnh, nếu như kết hợp với du lịch sẽ tạo nên sự tương sinh, giữa phát triển du lịch với nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay việc xây dựng sản phẩm OCOP du lịch đã có các bộ tiêu chí, quy chuẩn chung, bên cạnh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp bám sát tiêu chí, chúng tôi cũng khuyến khích các đơn vị sáng tạo thêm để có những sản phẩm OCOP riêng có trong du lịch”.

Khởi đầu quá trình thực hiện, cả chính quyền và người dân còn gặp khó khăn khi tiếp cận khái niệm về sản phẩm du lịch OCOP cũng như làm thế nào đáp ứng các tiêu chí đối với sản phẩm du lịch đạt chuẩn. Vạn sự khởi đầu nan, những thành công bước đầu chính là cơ sở để du lịch Bắc Kạn có bước phát triển bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Trúc Linh