Bình Định nâng cao chất lượng, xuất khẩu sản phẩm OCOP

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT), Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra chuyển biến mới trong sản xuất, từng bước phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh Bình Định tích cực hỗ trợ cho người nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những chủ trương, chính sách của tỉnh ban hành đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Có nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình, tiến đến mở rộng thị trường xuất khẩu. Như sản phẩm bánh tráng truyền thống của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị xã Hoài Nhơn) đã xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Hay sản phẩm gà giống Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát) xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm được chứng nhận OCOP tại Bình Định có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao như: cá ngừ đại dương, gà giống, dầu dừa. Các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao đều là sản phẩm đặc trưng của địa phương, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sản xuất an toàn như: nước mắm, nón ngựa, bánh tráng, bún gạo, bưởi da xanh.

Hình minh họa

Chương trình OCOP chú trọng vào các sản phẩm đặc trưng địa phương, mang tính chất vùng, miền tạo được sự cạnh tranh. Do đó, phát triển được các sản phẩm OCOP tạo điều kiện vực dậy các ngành nghề sản xuất sản phẩm truyền thống khu vực nông thôn, tạo giá trị gắn kết cộng đồng, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương, nhiều chủ thể thực hiện OCOP vẫn chưa thực sự chủ động, chưa nắm bắt được trọng tâm của chương trình, dẫn đến định hướng phát triển chưa phù hợp với thị trường. Xuất phát từ thực tế đó, thời gian tới, Văn phòng đã đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh tập trung cho đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP có tiềm năng, có thế mạnh để nâng tính cạnh tranh.

Theo kế hoạch trong năm 2022, Văn phòng phối hợp với các địa phương xây dựng thêm 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và khoảng 20 sản phẩm được nâng hạng, trong đó có 2 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao, 10 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, 2 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp Trung ương. Đồng thời, đơn vị rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm đã tham gia đánh giá, xếp hạng nhưng chưa đạt tiêu chuẩn OCOP (từ 1 sao đến 2 sao) để phát triển, nâng cấp sản phẩm tham gia đánh giá các lần tiếp theo. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (từ 3 sao trở lên), trong đó tập trung đánh giá chuỗi giá trị của các sản phẩm để có các biện pháp hỗ trợ theo chuỗi, khâu sản xuất. Ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, có lợi thế của từng địa phương, bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng.