Chương trình OCOP: Đẩy mạnh khai thác các từ thế mạnh đặc sản vùng

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng ngàn sản phẩm đa dạng, trong đó có nhiều mặt hàng có chất lượng cao. Đáng chú ý, các địa phương đều đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thế mạnh vùng miền.

5.320 sản phẩm OCOP từ 3 sao 

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân, cả nước  huy động  được 22.845 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP.

Đánh giá phân loại được 5.320 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên(ảnh minh họa)

Theo đó, đã có 60/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá phân loại được 5.320 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020. Trong đó, sản phẩm 3 sao chiếm 62,05%, sản phẩm 4 sao chiếm 36,2%, sản phẩm 5 sao cấp quốc gia chiếm 1,72%, với 20 sản phẩm.

Hiệu quả của Chương trình sản phẩm OCOP đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Sản phẩm OCOP đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể, nhất là đối với các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh và lợi thế riêng. 

Bên cạnh đó, Chương trình sản phẩm OCOP đã góp phần nhân rộng mô hình sản xuất và phát triển sản phẩm đặc sản truyền thống theo hướng chuyên sâu, giúp các địa phương hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Đồng thời, chương trình còn phát huy trí tuệ, khả năng sáng tạo, hình thành tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường cho người nông dân.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhờ sản phẩm OCOP

Bên cạnh OCOP, các chương trình như khuyến công và phát triển làng nghề đang ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển công nghiệp ở các địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Năm 2019, có 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thuộc các nhóm: thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống, sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, thuộc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Nhiều điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP ra đời (Ảnh: minh họa)

Trong năm 2019, Bộ Công thương đã thực hiện nhiệm vụ chính là phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhiều địa phương đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ 12 tỉnh đã tiến hành đánh giá phân loại sản phẩm xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu để giới thiệu hàng hóa trong chương trình đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tổ chức các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm OCOP và các hoạt động kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm bán tại địa phương.

Chương trình OCOP được Chính phủ xem là giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Đồng thời tạo môi trường cho các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh các địa phương và hình ảnh quốc gia.

Cùng với đó là thu hút đầu tư và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất đem lại nguồn thu nhập cho người dân tại địa phương.

Nguồn:

Theo OCOP Việt Nam – Minh Tú.