Đặc sắc rượu Út Tây – đặc sản vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Nổi danh thương hiệu rượu Út Tây

Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây gần đây đã được biết đến với những sản phẩm rượu được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao trong năm 2020, cũng như chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hậu Giang năm 2021. 

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, đặc biệt với những người dân Nam Bộ, việc dùng rượu đã trở thành phong tục tập quán lâu đời, gắn liền với nhiều nghi lễ, ca dao dân ca, điển hình như câu “khách đến nhà không trà thì rượu”.  Những dịp lễ tiết, hội hè của dân tộc, rượu cũng xuất hiện với tư cách “vô tửu bất thành lễ” trên bàn thờ, bên cạnh hương quả, mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Hoặc ở miền Bắc, từ lâu đã tồn tại những câu nói khuyết danh rất đậm đà như “cưới em bảy vạn trâu bò, tám vạn dê lợn, chín vò rượu tăm”. Kể ra mới thấy, dân gian ta từ xưa đã biết lấy vỏ cây làm áo, lấy cá tôm làm mắm, lấy cốt gạo làm rượu dùng trong sinh hoạt, nghi lễ thường ngày. 

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao dẫn đến số lượng chủ thể, đơn vị sản xuất rượu trên thị trường ngày càng nhiều. Tình trạng buôn bán rượu giả, kém chất lượng cũng dần trở thành vấn nạn gây hại đến sức khỏe người dùng, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rượu chân chính.

Các sản phẩm mang thương hiệu rượu  Út Tây

Với niềm trăn trở đó, cùng tâm huyết của một gia đình có truyền thống nấu rượu lâu đời, vợ chồng ông Lê Quang Anh và bà Võ Thị Phương Trang chọn quay về quê hương tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) xây dựng cơ sở sản xuất rượu từ nguồn nguyên liệu nếp tấm dồi dào. Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây đã góp phần biến đổi hạt gạo nếp tấm có giá trị kinh tế thấp thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh với chất lượng và hiệu quả cao hơn. 

Bà Võ Thị Phương Trang, Đại diện thương hiệu rượu Út Tây cho biết, công việc nấu rượu vốn là nghề truyền thống của gia đình ông Lê Quang Anh tại thị trấn Rạch Gòi, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Khi hai vợ chồng lên Cần Thơ lập nghiệp, vì nhớ quê nhà, bà Trang và chồng quyết định về huyện Phụng Hiệp (quê bà Trang) phát triển nghề nấu rượu gia truyền. 

Đa dạng sản phẩm thương hiệu rượu Út Tây

Đến nay, cơ sở rượu Út Tây cho ra mắt bốn loại rượu là rượu Trắng Út Tây, rượu Lão Tửu Út Tây, rượu Lão Tửu Đông Trùng Hạ Thảo Út Tây và Khước Lão Tửu Út Tây. Tất cả sản phẩm trên đều đạt chứng nhận OCOP 4 sao, cũng như chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hậu Giang năm 2019. Đến năm 2021, cơ sở tiếp tục vinh dự nhận danh hiệu này. 

Bà Võ Thị Phương Trang giới thiệu sản phẩm rượu Út Tây với Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo ông Lê Quang Anh, phương pháp chưng cất, ủ men, nấu rượu gia truyền, cùng nguồn nguyên liệu nếp tấm đặc trưng của vùng Hậu Giang là nguyên nhân giúp sản phẩm có hương vị thơm ngon, thu hút người dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, rượu Út Tây còn vượt trội về chất lượng với nhiều đánh giá, thẩm định tích cực từ các cơ quan, ban ngành tại địa phương. 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Châu Á – Thái Bình Dương tặng sản phẩm rượu Út Tây cho Hiệp hội doanh nghiệp Singapore 

Cụ thể, sau nhiều lần kiểm nghiệm, các chuyên gia nhận định sản phẩm có chứa Gam Amino Butyric Axit (GABA), một hợp chất lợi cho sức khỏe, giúp làm êm dịu, thư giãn thần kinh. Đồng thời, hàm lượng Methanol, Aldehyde và Este gần như không phát hiện, hoặc nếu có cũng ở tiêu chuẩn thấp, không gây ngộ độc so với quy định của Bộ Y tế. 

Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc và Ấn Độ nhận quà là rượu Út Tây từ Tiến sĩ Lê Thuỳ Trang

Trong Đại hội Đảng bộ Hậu Giang năm 2020, bà Võ Thị Phương Trang từng vinh dự giới thiệu sản phẩm rượu Út Tây đến Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Thuỳ Trang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Châu Á – Thái Bình Dương, một người con của mảnh đất Hậu Giang cũng đã dùng thử rượu Út Tây và rất tâm đắc với mặt hàng này. Khi tham gia hội nghị tại thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ đã tặng sản phẩm rượu Út Tây cho nhiều đối tác, cùng đại diện Lãnh Sự Quán các nước tại Việt Nam. 

Hiện nay, cơ sở rượu Út Tây đang tiếp tục mở rộng quy mô, chuyển đổi dây truyền sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001 phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục tiêu trong thời gian tới, bà Trang chia sẻ muốn hướng đến thành lập doanh nghiệp nhằm tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, vực dậy công việc nấu rượu truyền thống tại khu vực Tây Nam bộ. 

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Huỳnh Kha