Đắk Lắk: Nâng tầm thương hiệu socola Việt Nam

Đắk Lắk khai thác lợi thế từ cây ca cao

Khoảng giữa thế kỷ XX, người Pháp đã đem hạt giống ca cao trồng tại Việt Nam trong đó có tỉnh Đắk Lắk, nhưng tình hình chiến tranh khiến việc canh tác khó khăn. 

Phải đến những năm 2000, để tìm loài cây thay thế diện tích cà phê không thể tái canh, cây ca cao bắt đầu được quan tâm phát triển. Năm 2015, Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) xếp ca cao Việt Nam vào loại “Ca cao hảo hạng”. Mặc dù chế biến hạt ca cao thô ra thành phẩm giúp tăng giá trị lên hơn 400% so với bán hạt ca cao thô, nhưng vì thời gian từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch khá dài (4-5 năm) cùng quy trình chế biến, xử lý thành phẩm phức tạp khiến bà con nông dân chưa mặn mà với loài cây trồng này. 
 

Các sản phẩm của công ty Ca cao Nam Trường Sơn

 Thấu hiểu khó khăn của những hộ trồng ca cao, năm 2007, anh Trương Ngọc Quang – Giám đốc Công ty Ca cao Nam Trường Sơn tỉnh Đắk Lắk bắt tay vào nghiên cứu công thức sản xuất các mặt hàng từ cây ca cao. Anh Quang mong muốn nơi đây sẽ trở thành trung tâm thu mua nguyên liệu, nhằm giúp bà con nông dân ổn định thu nhập, đồng thời chế biến sản phẩm ca cao giúp gia tăng giá trị phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam. 

 Anh Trương Ngọc Quang – Giám đốc Công ty Ca cao Nam Trường Sơn

Thời điểm đó, ngành công nghiệp chế biến ca cao Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Vì vậy, để nắm được kỹ thuật, phương thức trồng trọt, anh Quang phải tìm đọc tài liệu nước ngoài, tự nghiên cứu, đầu tư máy móc đơn giản thử nghiệm chế biến tại nhà. Nhờ nỗ lực không ngừng, chỉ sau một năm, bột ca cao cùng bơ ca cao ra đời, tiếp thêm động lực cho anh trên con đường đưa sản phẩm vùng cao Tây Nguyên đến thị trường trong nước lẫn thế giới. 

Anh Quang chia sẻ “Khi nhắc về socola, người ta thường nghĩ về các thương hiệu xuất xứ tại châu Âu. Ngành công nghiệp chế biến socola ở nước ta tương đối mới nên việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Đây vừa là khó khăn vừa là cơ hội giúp công ty có những bước đi vững vàng hơn”.

Xây dựng sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ca cao 

Suốt 7 năm liền (2010 – 2017), anh Quang liên tục học hỏi kỹ thuật, công nghệ từ những quốc gia đã thành công ở ngành chế biến socola như Vương quốc Anh, Bỉ,… Đồng thời, công ty còn đẩy mạnh đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao tiến độ và mở rộng quy mô sản xuất. 

Du khách nước ngoài tham quan vườn ca cao của công ty

Nhờ vậy, giá thu mua hạt ca cao của công ty luôn cao hơn giá thị trường 10.000 đồng/ký, giúp người nông dân yên tâm trồng trọt. Bên cạnh đó, hiểu được tâm lý khách hàng thường yêu thích sản phẩm bao bì đẹp, làm quà tặng nên việc thiết kế nhãn mác ấn tượng cũng được công ty chú trọng. 
 

Khách hàng tham quan gian hàng của Công ty ca cao Nam Trường Sơn

Sau nhiều nỗ lực, hai sản phẩm Socola Sữa (chứa 60% ca cao) và Socola Đen (chứa 70% ca cao) mang thương hiệu Nam Trường Sơn ra mắt thị trường Việt Nam, được người tiêu dùng đánh giá cao vì mang đậm hương vị châu Âu. Hiện nay, sản phẩm đã có mặt tại những tỉnh thành phát triển du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng… 

Không dừng lại ở đó, năm 2018, một số mặt hàng gồm bột ca cao, socola,… tiếp cận khách hàng Nhật Bản, Canada. Tuy số lượng chưa đáng kể nhưng đây chính là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp chế biến socola tại Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung. 

Năm 2020, bột ca cao nguyên chất Nam Trường Sơn đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Tiếp đó, năm 2021, Socola Sữa và Socola Đen cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận OCOP 4 sao. Anh Quang mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lăk sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng cửa hàng trưng bày, tạo kênh giao lưu sản phẩm OCOP, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại đến nhiều tỉnh thành nhằm quảng bá thương hiệu ca cao Đắk Lăk rộng rãi trên cả nước. 

Năm 2020, bột ca cao nguyên chất Nam Trường Sơn đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh 

Hiện, công ty đang kết hợp cùng đối tác ở Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hà Nội,… tăng diện tích trồng ca cao, hình thành chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng nhà máy tầm trung trên địa bàn. Qua đó, anh Quang hy vọng từ 1200ha, diện tích ca cao có thể nâng lên hơn 4000ha, đẩy mức giá thu mua lên 80.000 đồng/ ký, hỗ trợ thu nhập cho bà con nông dân. Ngoài ra, công ty Nam Trường Sơn dự kiến mở các lớp đào tạo về kỹ thuật canh tác ca cao, hướng đến nhân rộng quy mô sản xuất sản phẩm giá trị cao. 

Năm 2021, Socola Sữa và Socola Đen được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao
Bằng Xác lập giá trị Top Việt Nam cho sản phẩm Bột Ca cao Nam Trường Sơn 

Anh Quang cho biết, phát triển sản phẩm gắn với du lịch địa phương là một trong những dự án mà công ty luôn ấp ủ. Để thực hiện điều đó, anh đang phối hợp Sở Nông nghiệp, Sở Du lịch, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk sử dụng 2-3 ha diện tích vườn ca cao tại công ty, xây dựng mô hình phục vụ khách du lịch tìm hiểu, trải nghiệm chế biến socola. 

Trong tương lai, ngoài cà phê, mong rằng khi du khách tham quan Đắk Lắk sẽ nhớ về hình ảnh cây ca cao và sản phẩm socola như biểu tượng của địa phương. 

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – An Nhi