Đến Lâm Đồng khám phá vẻ đẹp cao nguyên Di Linh

Hấp dẫn cao nguyên Di Linh 

Cao nguyên Di Linh là một trong hai cao nguyên chính của tỉnh Lâm Đồng Di Linh, nằm ở độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển, có tài nguyên nước, rừng, chuỗi cảnh quan đẹp, nhất là hệ thống hồ đập tự nhiên phân bố trên toàn địa bàn.

Địa danh đầu tiên cần kể đến là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh – Hồ Ka La, với diện tích mặt hồ hơn 300 ha kết hợp với vẻ hùng vĩ của ngọn núi BrăhYàng, nơi gắn với nhiều câu chuyện huyền thoại của người K’Ho đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, huyền bí. 

Đến với Ka La, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh và hít thở khí trời, du khách sẽ được trải nghiệm với các hoạt động của bãi cắm trại du lịch Kala Campark đi kèm thưởng thức ẩm thực, không gian check in lãng mạn cùng các hoạt động giao lưu âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên. 

Ngoài ra, du khách còn có thể khám phá cung đường hơn 20 km xung quanh hồ Ka La với các hoạt động thú vị như đạp xe, chạy bộ, trekking, chụp hình cảnh quan rừng núi, hồ, ruộng bậc thang, thiên nhiên hùng vĩ xinh đẹp với khí hậu đặc trưng đủ 4 mùa trong 1 ngày.

Bên cạnh hồ Ka La là đỉnh núi BrăhYàng cao nhất cao nguyên Di Linh (gần 2.000 m). Đây là địa điểm mà rất nhiều bạn trẻ đam mê loại hình du lịch trekking (đi bộ trong rừng) tìm đến. Ngoài ra, tại đây, du khách được chiêm ngưỡng những cây trà cổ, Lilu và nhiều cây dẻ xung quanh, nghe lại sự tích núi BrăhYàng trên đỉnh núi. 

Ngoài ra, cao nguyên Di Linh còn có hồ Tây, hồ Đông, hồ 1019, hồ Thanh Bạch, hồ Liên hoàn, hồ Nhật, hệ thống sông Đồng Nai, sông Nhum, sông Dariam với các hồ đập thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Hàm Thuận – Đa Mi,…; các thác nước tự nhiên gồm: Bobla (xã Liên Đầm), thác LiLiang (còn gọi là thác cầu 4, xã Gung Ré), thác 7 tầng (xã Tam Bố), thác Tul (xã Gia Bắc), thác Phú Xuân (xã Gia Hiệp)…

Di Linh còn có Dinh tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai Thượng được xây dựng từ năm 1901, hiện nay vẫn còn đang sử dụng. Đặc biệt, với hơn 41% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, là “cái nôi” của người K’Ho nên văn hóa Di Linh mang đậm sắc thái Tây Nguyên. Bên cạnh đó, huyện có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống nên còn được tô điểm thêm nét bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền…, là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam. 

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cao nguyên Di Linh giàu tiềm năng thể khai thác phát triển du lịch, đưa cao nguyên Di Linh thành điểm dừng chân hấp dẫn trên tuyến du lịch Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt – Phan Thiết (Bình Thuận) và các tỉnh Nam Trung Bộ. 

Đẩy mạnh khai thác du lịch tại cao nguyên Di Linh

Ông Vũ Đức Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, cao nguyên Di Linh là khu vực có khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, có nhiều cơ hội và tiềm năng cho phát triển đô thị sinh thái vùng cao nguyên với các khu dân cư mới, với nhiều quỹ đất chưa được đầu tư có không gian mở với cảnh quan đẹp tiếp cận các khu vực hồ, đập. 

Để cao nguyên Di Linh trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa, huyện tiến hành khảo sát địa điểm, định hướng, thu hút đầu tư phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch vùng, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch của địa phương. Tập trung vào các loại hình: Phát triển mạnh các điểm, khu du lịch, vui chơi, mua sắm, tham quan, cắm trại, nghỉ dưỡng; phát triển du lịch canh nông kết hợp với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ; phát triển du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng, các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu thiên nhiên gắn với quản lý, bảo vệ rừng. 

Huyện Di Linh cũng tăng cường hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống của người DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa; phát triển các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm; hình thành các tour, tuyến và các sản phẩm du lịch phù hợp với những đặc điểm, đặc trưng của huyện…

 Bên cạnh đó, huyện Di Linh còn tăng cường kết nối du lịch với các địa phương trong tỉnh tạo thành chuỗi giá trị. Phát huy các lợi thế của địa phương nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch cao nguyên Di Linh.

Qua đó, Di Linh phấn đấu đến năm 2025, phát triển mạnh các loại hình du lịch, đưa du lịch trở thành thế mạnh, là “điểm nhấn” của huyện, trở thành điểm dừng chân của du khách trước khi đến Đà Lạt hay khi từ Đà Lạt về. Đến năm 2030, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển theo hướng chất lượng và bền vững.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Minh Khuê