Hấp dẫn hương vị đường phên Bó Tờ – Sản phẩm OCOP độc đáo Cao Bằng

 Làng nghề đường phên Bó Tờ (thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) đã hình thành và phát triển trên 100 năm. Với hương vị thơm ngon đặc sắc, đường phên Bó Tờ đã được công nhận là một trong những sản phẩm OCOP nức tiếng của Cao Bằng.

Nổi danh sản phẩm đường phên Bó Tờ

Làng nghề đường phên Bó Tờ nằm ngay gần quốc lộ 3, từ thị trấn Hòa Thuận xuống thị trấn Tà Lùng (Phục Hòa) đã tồn tại và phát triển trên 100 năm, nổi danh trong và ngoài tỉnh với sản phẩm đường có màu vàng óng, hương vị đặc biệt, không chất bảo quản. 

Đường phên Bó Tờ có màu vàng óng, hương vị đặc biệt

Tại làng nghề đường phên Bó Tờ, các lò nấu đường phên cổ truyền được làm bằng đất nung. Khi nấu đường, người dân tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất bảo quản, các sản phẩm 100% hoàn toàn tự nhiên. Nhờ đó, đường phên Bó Tờ có màu vàng đỏ, đặc mịn, ngon ngọt, mang tính đặc trưng của vùng đất biên cương.

Kỹ thuật làm đường phên thủ công không quá khó nhưng khâu quan trọng nhất là phải biết “lấy” đường vừa tầm. Nếu “lấy” quá non, đường chưa đặc và không để được lâu còn bị chảy nước, nếu “lấy” quá già đường sẽ có vị đắng. Với cách làm hiện nay, cứ 100 kg mía được 20 – 30 kg đường phên thành phẩm, 1 kg đường phên bán trung bình từ 20 – 25 nghìn đồng/kg; mỗi ngày một gia đình có thể nấu 3 – 4 mẻ đường, mỗi mẻ khoảng 60 – 70 kg đường phên thành phẩm. Bên cạnh đó, người dân có thể tận dụng bã mía làm chất đốt, nước mía nấu thành rượu mía.

Lò nấu đường phên Bó Tờ chủ yếu được làm bằng đất nung cổ truyền 

Theo những người lớn tuổi trong xóm, trước kia, có thời điểm nghề làm đường phên Bó Tờ phát triển lan rộng khắp khu vực thị trấn Hòa Thuận và nhiều xóm ở các xã của huyện Phục Hòa. Nhưng khi thị trường phát triển, các loại đường kính trắng với giá thành rẻ chiếm đa số, nhiều người đã nản lòng chuyển sang làm nghề khác. Riêng xóm Bó Tờ người dân vẫn duy trì nghề làm đường phên truyền thống của ông cha để lại. 

Đặc biệt, cuối năm 2019, làng nghề đường phên Bó Tờ đón Bằng công nhận Làng nghề đường phên truyền thống đã tạo động lực cho người dân Bó Tờ thêm gắn bó với nghề và tạo điều kiện cho sản phẩm đường phên Bó Tờ có chỗ đứng trên thị trường.

Triển vọng làng nghề đường phên Bó Tờ.

Hiện nay, Làng nghề đường phên Bó Tờ có 150 hộ duy trì nghề truyền thống, trong đó có 85 hộ thu nhập khá cao từ nghề làm đường phên và sản phẩm từ mía. Với diện tích mía trên 30 ha, người dân thực hiện tốt các quy trình từ khâu trồng, chăm sóc đến nấu mật, đổ khuôn đường… Những gia đình sản xuất đường phên đến đâu bán hết đến đó, thu nhập khoảng 80 – 100 triệu đồng/hộ/năm. 

Làng nghề đường phên Bó Tờ có 150 hộ duy trì nghề truyền thống

Đáng chú ý, 5 năm trở lại đây, các hộ dân tham gia trồng mía được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện Phục Hòa tập huấn quy trình chăm sóc mía. Nhờ đó, người làm đường phên Bó Tờ đã chủ động chăm sóc cây mía, thay đổi giống mía địa phương hay bị bệnh, năng suất thấp sang trồng giống mía ROC10 có khả năng chịu được sâu bệnh, năng suất cao. Hiện nay, 100% hộ dân làm đường phên đều sử dụng giống mía mới và áp dụng phương pháp canh tác, chăm sóc an toàn.

Từ nghề làm đường phên, các hộ dân xóm Bó Tờ có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 400 lao động; hiện, cả xóm không còn hộ nghèo. Tính trung bình mỗi năm, xóm Bó Tờ sản xuất trên 255 tấn đường phên, doanh thu đạt gần 7 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng các cây trồng nông nghiệp khác. Không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng/năm so với năm 2012.

Người làm đường phên Bó Tờ chủ động thay đổi giống mía cho năng suất cao

Nhờ những giá trị về văn hóa và kinh tế, năm 2019, làng nghề đường phên Bó Tờ chính thức được công nhận là Làng nghề truyền thống. Tiếp đó, năm 2020, đường phên Bó Tờ là 1 trong 24 sản phẩm của “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh Cao Bằng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Phát triển làng nghề huyện Phục Hòa, ông Lương Đức Tố, thông qua chương trình khuyến công, địa phương sẽ tư vấn, hỗ trợ cho làng nghề trong việc cải tiến quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây mía, sản xuất đường phên, tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện cho làng nghề đường phên Bó Tờ tiếp tục phát triển.

Cũng theo ông Tố, về tổ chức làng nghề, các cơ sở sản xuất cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tạo đầu mối thống nhất về chất lượng sản phẩm, giá cả, hợp đồng cung ứng sản phẩm. Sản phẩm đường phên là sản phẩm đặc trưng của vùng, vì vậy, phải có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để quảng bá rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Minh Khuê