Hiệu quả chương trình OCOP ở khu vực đô thị hóa thành phố Hồ Chí Minh

Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp tăng trưởng kinh tế – xã hội cho tất cả tỉnh, Thành phố, trong đó có TP. HCM là một ví dụ điển hình.

TP.HCM – Nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP 

Thực hiện phát triển sản phẩm OCOP, UBND TP.HCM đã có giải pháp hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn tín dụng phát triển sản xuất, hỗ trợ liên kết phát triển sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập hộ dân nông thôn ở vùng đô thị hóa. 

Người dân đang làm sạch ruộng muối tại làng nghề muối Lý Nhơn (Cần Giờ)

Cuối năm 2019, thu nhập của người dân khu vực đô thị hóa 63,096 triệu đồng/người/năm tăng 58,85% so với năm 2015 và tăng 172,32% so với năm 2010. Khoảng cách thu nhập giữa khu vực đô thị hóa và thành thị ngày càng thu hẹp qua các năm: năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực đô thị hóa Thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 66,6%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%.

TP.HCM đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất rau sạch an toàn đạt chuẩn OCOP

Tại TP.HCM, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP định hướng tập trung phát triển 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: Rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh, thuộc 06 làng nghề truyền thống: làng nghề đan đát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đồng, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (Cần Giờ); phát triển 04 sản phẩm ngành nghề đặc trưng của huyện ngoại thành Thành phố: khô cá dứa một nắng Cần Giờ, khô cá đù một nắng Cần Giờ, khô cá sặc một nắng Củ Chi, tổ yến Cần Giờ, và phát triển 01 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền ở huyện Cần Giờ: sản phẩm xoài (Long Hòa). Các khu vực trên có quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngày càng sôi nổi. 

Làng nhang Lê Minh Xuân

Việc xây dựng và triển khai Chương trình OCOP được TP.HCM định hướng phát triển là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phát huy lợi thế so sánh của thành phố, cùng với việc ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã khuyến khích doanh nghiệp, HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất làm đòn bẩy thúc đẩy nâng cao giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho lao động. Bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là diện tích sản xuất lúa) giảm trên 900 – 1000 ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. 
 Đến nay nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đã tăng cường ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 01 ha. Cụ thể, năm 2008 giá trị sản xuất chỉ đạt 117,5 triệu đồng/ha/năm, thì đến năm 2020 đã đạt 600 triệu đồng/ha (cao nhất cả nước, gấp hơn 05 lần bình
quân cả nước, theo đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

TP.HCM nâng cao hiêu quả Chương trình OCOP 

Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP tại TP.HCM đã thể hiện sự phù hợp của một chương trình phát triển kinh tế nông thôn dựa trên hướng phát huy nội lực cộng đồng để tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề và dịch vụ lợi thế theo chuỗi giá trị. 

Xoài Long Hoà Cần Giờ – sản phẩm OCOP TP.HCM

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn tồn tại nhiều bất cập, như: Một số địa phương có biểu hiện “chạy thành tích”, chưa đi vào thực chất, chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh sản phẩm đặc trưng; Chưa thực sự quan tâm đến những giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP. 

Khô cá dứa một nắng – sản phẩm OCOP TP.HCM

Đặc biệt, là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm, nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa trú trọng vào yếu tố chất lượng, gắn với thị hiếu tiêu dùng; Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc nhằm tạo hình ảnh, thương hiệu OCOP Việt Nam; năng lực từ các tổ chức kinh tế OCOP còn khiêm tốn nên việc quản trị, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của sản phẩm OCOP gặp khó khăn, một số địa phương đang trông chờ vào ngân sách mà chưa huy động hiệu quả nguồn lực cộng đồng.

Làng nghề mành trúc xã Tân Thông Hội

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới, TP.HCM cần tập trung: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; Tổ chức và kiện toàn bộ máy triển khai Chương trình; Tổ chức triển khai Chu trình OCOP linh hoạt và phù hợp điều kiện địa phương; Hỗ trợ về khoa học công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô phù hợp cho các sản phẩm OCOP.

Nghề đan giỏ trạc xã Xuân Thới Sơn

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP: Các chủ thể tham gia được đào tạo nghề, hỗ trợ tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi theo chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản phẩm OCOP được hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại các HTX sản xuất-kinh doanh sản phẩm OCOP; huy động nguồn lực ngân sách và các loại hình liên kết từ cộng đồng bằng những hình thức phù hợp với quy định của pháp luật.

TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 03 sao, 04  sao và 05 sao năm 2021 gồm: 

1/Sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 04 sao gồm có: Tôm thẻ chân trắng thương phẩm -HTX Thuận Yến; Khô cá dứa một nắng, tôm sú một nắng, tôm thẻ một nắng, tôm khô, tôm sú thiên nhiên, tôm thẻ tươi đông lạnh của HTX Nông nghiệp Dịch vụ du lịch Đầu tư – Xây dựng Cần Giờ Tương Lai; Tổ yến chưng nguyên chất, tổ yến chưng vị đông trùng hạ thảo – Hộ kinh doanh yến sào Khánh Đan sản xuất; mật dừa nước tinh chất, mật dừa nước cô đặc – Công ty TNHH Phát triển Dừa Nước Việt Nam; Bơ đậu phộng mịn, bơ đậu phộng có hạt – Công ty TNHH Đạt Butter; Bột rau má không đường, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen, bột chùm ngây – Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Thiên Nhiên Việt; Mật ong rừng sữa Ong Chúa, Hà Thủ Ô 5 trong 1 – Công ty Cổ phần tập đoàn Xuân Nguyên;

2/ Sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 03 sao gồm có: Bưởi da xanh – Anh Tứ của Hộ kinh doanh Anh Tứ; Bưởi da xanh – THT Lê Đức Thịnh của Công ty THT Bưởi Da xanh xã Phạm Văn Hai (Lê Đức Thịnh); Rau an toàn – rau cải ngọt, rau an toàn – rau muống do HTX nông nghiệp – sản xuất – thương mại và dịch vụ Phước An sản xuất; Sữa tươi Đông Thạnh, sữa chua Đông Thạnh của HTX Bò sữa Đông Thạnh – DONGTHANHMILK.

3/ Ngoài ra, TP.HCM đang đề xuất trung ương xem xét, đánh giá phân hạng tiêu chuẩn 05 sao cho sản phẩm “Bột rau má có đường” do Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Thiên Nhiên Việt sản xuất.
(Theo quyết định số 896/QĐ-UBND ngày 29 tháng 03 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn:

Theo OCOP Việt Nam – TS. Lý Hoàng Nam