Khánh Hòa: Ổn định thu nhập nhờ nghề trồng rong nho

Từ năm 2004, rong nho Nhật Bản được du nhập vào Việt Nam và trồng chủ yếu tại tỉnh Khánh Hòa. Nhờ điều kiện môi trường thuận lợi, phương pháp nuôi trồng phù hợp, rong nho Khánh Hòa sinh trưởng nhanh chóng và trở thành mặt hàng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, Trưởng phòng Thực vật biển Viện Hải dương học Nha Trang tiết lộ, tại Việt Nam, vào năm 2004, rong nho Nhật Bản bắt đầu được du nhập vào Việt Nam và trồng chủ yếu tại tỉnh Khánh Hòa. Với điều kiện môi trường thuận lợi, phương pháp nuôi trồng phù hợp, rong nho Khánh Hòa sinh trưởng nhanh chóng và trở thành mặt hàng mang lại hiệu quả kinh tế cao.Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 50ha trồng rong nho với sản lượng hơn 400 tấn/năm.

Ông Nguyễn Quang Duy, Giám đốc Công Ty TNHH Sản Xuất – Thương Mại – Xuất Nhập Khẩu D&T (Công ty D&T) chia sẻ, ngoài yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần và hàm lượng dinh dưỡng nước, rong nho chỉ phát triển trong điều kiện nhiệt độ từ 25 – 28 độ C, độ mặn 30 – 35‰. Với nhiều vũng vịnh và gần 3000 giờ nắng/năm, Khánh Hòa là địa phương lý tưởng giúp thực vật này phát triển thuận lợi, phù hợp xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, hạn chế của nghề là thời gian bảo quản sau thu hoạch ngắn (từ 5 – 7 ngày) dẫn đến khó tiếp cận khách hàng xa khu vực sản xuất. Do đó, Công ty D&T đã nghiên cứu tạo nên sản phẩm rong nho tách nước mang thương hiệu Okinawa với ưu điểm bảo quản được lâu mà giá trị dinh dưỡng và hương vị không đổi.

Ông Duy nhận bằng kỷ lục về đơn vị nuôi trồng rong nho biển sản lượng lớn nhất Việt Nam

Tháng 12/2021, sản phẩm đạt đánh giá 4 sao từ chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa, đồng thời được nhiều cơ quan ban ngành tại địa phương, lẫn khách hàng trong và ngoài nước yêu thích, lựa chọn. Ngoài rong nho tách nước Okinawa, công ty còn cung cấp nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan như Rong nho sấy khô Okinawa và Rong nho tươi Vmax,…

Tuy nhiên, điều khiến ông Duy tự hào nhất chính là ghề nuôi trồng rong nho đã giúp nông dân Khánh Hòa có thêm hướng đi mới bền vững, đảm bảo thu nhập ổn định so với các công việc truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro như nuôi cá tôm, đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng cao vì thiếu nguồn cung, các ngành nghề đánh bắt cần nhiều nhiên liệu phục vụ phương tiện đi lại như xuồng, tàu máy,… trở thành gánh nặng khiến ngư dân Khánh Hòa lao đao. 

Quy trình làm việc tại cơ sở sản xuất, đóng gói sản phẩm rong nho tại Công ty D&T

Theo đó, doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ cấp vốn giúp ngư dân Khánh Hòa chuyển đổi các đìa bỏ hoang sang đầu tư nuôi trồng rong nho, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và cam kết đầu ra sau thu hoạch. Nhờ vậy, trong năm 2021, bất kể tình hình dịch bệnh khó khăn, Công ty D&T vẫn đảm bảo việc làm cho hơn 200 công nhân tại địa phương, giúp họ yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định. 

Quy trình làm việc tại cơ sở sản xuất, đóng gói sản phẩm rong nho tại Công ty D&T 

Ngoài lợi thế về nhân lực và điều kiện tự nhiên, các chính sách hỗ trợ từ tỉnh Khánh Hòa cũng tạo động lực giúp doanh nghiệp không ngừng phát triển. Vừa qua, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về việc xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phương hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng hiệu quả giá trị. 

Theo đó, ông Duy hy vọng, dự án nuôi trồng và sản xuất rong nho sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tại địa phương, cũng như Công ty D&T nói riêng mở rộng quy mô, gia tăng sản lượng, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn. Đồng thời, tạo điều kiện nâng cao giá trị sản phẩm rong nho Khánh Hòa đến tay người tiêu dùng toàn cầu, hỗ trợ nông dân miền biển cải thiện chất lượng đời sống.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam Huỳnh Kha