Miến Cự Đà – Vàng ươm sắc nắng

Ấm áp sắc vàng ở làng miến Cự Đà

Những ngày giữa hè về làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) sẽ được đi dọc con đường miến vàng óng và nghe tiếng máy cán miến chạy xình xịch không ngơi nghỉ, thay thế cho cảnh tráng miến bằng tay như trước đây. 

Về làng Cự Đà vào giữa hè sẽ được đi dọc con đường miến vàng óng 

Sản phẩm miến Cự Đà đặc biệt hơn tất thảy những loại miến của những làng quê Việt khác, bởi nó có màu vàng óng hoặc trắng mịn; khi nấu lên có vị thơm ngon, giòn và dai rất vừa miệng. Dù có bị nấu quá lửa thì miến Cự Đà cũng không bao giờ bị nở, bị nát.

Sản phẩm miến Cự Đà có màu vàng óng hoặc trắng mịn

Ở Cự Đà, người dân vẫn giữ thói quen đem miến ra phơi ở dọc đường làng và một cánh đồng lớn để đón ánh nắng mặt trời, để nhờ nắng, gió hong miến cho thật khô, vàng. Người làm miến ở Cự Đà căn cứ vào thời tiết để tính toán thời gian phơi hợp lý. Gặp hôm nắng to, nhiều gió thì chỉ vài tiếng được một mẻ. Những hôm nắng nhạt, phải mất cả ngày miến mới được xem là tạm đủ khô. Quan sát các công đoạn làm miến của người dân Cự Đà, mới thấy hết sự vất vả, chỉ lơ là một chút là mẻ miến sẽ bị hỏng vì nấm mốc.

Trước đây, thôn Cự Đà có tới 80% số hộ dân làm miến và nghề này đã đem lại thu nhập cho mỗi hộ dân nơi đây. Còn giờ đây, thanh niên trong làng đang dần “thoát ly” với nghề làm miến. Trong làng có 600 hộ, nhưng chỉ có 40 hộ vẫn giữ làm miến và độ tuổi người làm miến đều từ 40 đến 60 tuổi. Thế nhưng, mỗi năm làng nghề miến Cự Đà vẫn cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn miến thành phẩm. 

Nâng tầm thương hiệu miến Cự Đà

Được biết, miến Cự Đà được làm từ bột dong nguyên chất, nên sợi miến dai, không bị vỡ nát như nơi khác pha trộn bột sắn. Trước đây, việc làm miến theo phương pháp thủ công nên năng xuất thấp (khoảng một tạ/ngày), đã thế vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng hạn chế.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc, một hộ có thể sản xuất hàng tấn miến mỗi ngày. Những ngày cuối năm, từ người lớn đến trẻ nhỏ ở làng miến Cự Đà luôn chân, luôn tay. Quan trong hơn là các hộ đã có ý thức trong việc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở làng, trong hội có những giao ước, thi đua, biện pháp để các hộ nâng cao trách nhiệm an toàn thực phẩm.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, anh Đinh Văn Đạt chia sẻ: “Khác với nhiều nơi, miến Cự Đà được chế biến cẩn thận, cầu kỳ ở từng khâu từ chọn nguyên liệu đến tráng, hấp bánh, ra thành phẩm. Ngày xưa, làm miến theo thủ công, bánh tráng cuốn rồi cắt. Ngày nay, nhiều loại máy móc trong từng công đoạn đã khiến nghề làm miến đỡ vất vả và năng suất cao hơn nhiều.

Mỗi ngày có từ 9 đến 10 tấn miến Cự Đà xuất xưởng rồi tỏa đi khắp nơi

Quanh năm người dân Cự Đà gắn bó với nghề làm miến. Miến được nhuộm nắng từ ngày này qua ngày khác nên rất ngon, chất lượng không kém ngày xưa. Mỗi ngày có từ 9 đến 10 tấn miến Cự Đà xuất xưởng rồi tỏa đi khắp các tỉnh, thành trong nước và cả nước ngoài. Mặc dù luôn vô cùng vất vả vì nghề, nhưng nhờ nó mà cuộc sống của người dân nơi đây trở nên giàu có. 

Rời làng miến Cự Đà, vùng quê giàu đẹp, người dân dễ mến và đặc biệt có sản phẩm miến thơm ngon, nhưng không hiểu vì sao trong chúng tôi vẫn canh cánh nỗi lo. Hiện nay, thế hệ trẻ trong làng không còn mấy mặn mà, gắn bó với nghề truyền thống của tổ tiên. Đã đến lúc chính quyền và nhân dân địa phương phải có giải pháp để giữ gìn, phát triển nghề làm miến Cự Đà.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Hữu Khiêm