Ngành trồng trọt đến năm 2030: Chuyển dịch theo hướng nào?

Trao đổi về hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng những năm tới, ngành đang hoàn thiện Chiến lược Phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030. Theo đó, chuyển dịch cơ cấu cây trồng sẽ được thực hiện theo lợi thế từng vùng, gắn với thị trường tiêu thụ trên cơ sở áp dụng thành tựu khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị gia tăng và thu nhập của nông dân và doanh nghiệp.

Dự báo của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về triển vọng nông nghiệp những năm tới cho thấy, giá lương thực toàn cầu sẽ tăng 10-14% trong 10 năm tới. Ước tính tổng lượng gạo giao dịch toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 45 triệu tấn, tăng 23% so với năm 2013. Các tổ chức này cũng dự báo nhu cầu cà phê trong 10 năm tới tăng 1,6-2%/năm. Giá cao su có thể tiếp tục đứng ở mức cao. Nhu cầu đối với nhân điều, hạt tiêu đều tăng trong những năm tới. Nhu cầu về rau, quả cũng tăng bình quân 3,6% mỗi năm. Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng ngày càng cao. Chẳng hạn, nhu cầu lúa vào năm 2020-2030 ở mức 31,1 – 37,3 triệu tấn; cà phê nhân 55.000 – 60.000 tấn; hạt điều 135.000 – 140.000 tấn; chè búp khô 55.000-60.000 tấn; quả các loại 10-16 triệu tấn…

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và phát huy lợi thế cây trồng, các chuyên gia ngành trồng trọt đã đưa ra các nhóm cây trồng chủ lực cần tập trung phát triển là lúa gạo; cây công nghiệp lâu năm; cây ăn quả và nhóm rau, hoa. Đối với lúa gạo, sẽ giảm diện tích lúa kém hiệu quả, trước hết ở các vùng Duyên hải Trung Bộ, Trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ. Hạn chế gieo trồng lúa trên đất thiếu nước tưới, năng suất thấp; đồng thời, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chất lượng để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu; Tăng diện tích đối với rau, hoa, quả. Trong khi đó, với nhóm cây công nghiệp lâu năm có khả năng cạnh tranh cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, sẽ tăng diện tích cao su trên đất chuyển đổi từ cây trồng khác kém hiệu quả, đất hoang hóa, đất rừng nghèo kiệt; ổn định và duy trì diện tích cà phê, hồ tiêu, điều, mở rộng diện tích chè trên các vùng đồi, núi cao…
Bên cạnh đó, ngành trồng trọt cũng đưa ra hướng phát triển hợp lý với nhóm cây có lợi thế cạnh tranh trung bình, thay nhế nhập khẩu như ngô, sắn, khoai lang, mía, lạc… và các cây trồng khác như đậu tương, bông, cây sản xuất nhiên liệu sinh học, cỏ cho chăn nuôi…

Đặc biệt, để nâng cao tính cạnh tranh, cũng như tạo thế mạnh sản xuất hàng nông sản hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, các chuyên gia cũng đề xuất định hướng phát triển trồng trọt theo vùng sinh thái. Chẳng hạn, vùng trung du miền núi phía Bắc tập trung phát triển chè, cà phê chè, cây ăn quả có múi; vùng Đồng bằng sông Hồng hướng vào cây lúa, rau, hoa chất lượng cao, cây ăn quả. Trong khi đó, vùng duyên hải miền Trung sẽ tập trung phát triển lúa, ngô, khoai lang, lạc, mía…; vùng Tây Nguyên tập trung nâng cao giá trị cây cà phê, điều, cao su, hạt tiêu… Đông Nam Bộ sẽ hướng vào cao su, điều, hồ tiêu, cà phê, mía đường, cây ăn quả… Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển các vùng chuyên canh thâm canh quy mô lớn với lúa gạo, phát triển rau, ngô, cây ăn quả tạo thành vùng tập trung sản xuất hàng hóa, hàng hóa xuất khẩu kết hợp du lịch sinh thái miệt vườn.

Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng nói trên tạo ra nhiều cơ hội cho đầu tư phát triển sản xuất với các nhu cầu đầu tư phát triển giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, cải tiến kỹ thuật canh tác và phát triển nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, đầu tư cho cơ giới hóa, vật tư nông nghiệp, công nghiệp chế biến, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại…

Nguồn:

https://vukehoach.mard.gov.vn/