Rượu ngô Na Hang – Đặc sản miền sơn cước

Đậm đà hương vị rượu ngô Na Hang

Na Hang, điểm du lịch nổi tiếng của Tuyên Quang, không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên, mà còn gây ấn tượng với rượu ngô và một nền văn hóa ẩm thực độc đáo.  

Huyện Na Hang là nơi sinh sống của 12 dân tộc thiểu số anh em, nơi sở hữu phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những con sông uốn lượn xung quanh hay hồ nước trong vắt và nét hoang sơ của thiên nhiên. Đặc biệt, còn thưởng thức hương vị ngào ngạt của rượu ngô khi lai rai với thịt trâu gác bếp, hay thịt lợn đen hoặc cá sông Gâm…

Nguyên liệu để làm ra rượu ngô Na Hang được khai thác trên núi, trồng ở rừng, lấy từ sông, suối trên địa bàn. Thế nên rượu ngô Na Hang mới được mệnh danh là đặc sản miền sơn cước. Để có được thứ rượu hảo hạng này, phải trải qua nhiều công đoạn chế biến tỷ mỷ và kiên nhẫn. Nguyên liệu phải là ngô nếp nương hạt vàng được nuôi dưỡng bằng chất dinh dưỡng từ đất và dòng nước ngầm mát lành trên núi, mới cho mùi thơm hơn, lưu giữ được lâu hơn.

Trải qua nhiều công đoạn chế biến tỷ mỷ và kiên nhẫn, rượu ngô Na Hang mang hương vị hấp dẫn riêng

Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, sau khi thu hoạch ngô phải được phơi thật khô. Khi sử dụng, cho vào nồi nấu với lượng nước vừa phải, khi hạt ngô nở bung nứt thành ba cạnh thì lấy ra rải mỏng trên cót cho bay bớt hơi nước. Khi hạt ngô còn hơi ấm thì bột rắc men và đảo đều. Cứ 10kg ngô thì rắc 300gr bột men, sau đó đánh đều để ủ, nếu trời lạnh phải che đậy để giữ nhiệt độ ổn định. 

Tự hào thương hiệu rượu ngô Na Hang

Ngô ủ men khoảng hai ngày hai đêm, thấy mùi thơm thì cho vào các chum vại ủ, sau 15 đến 20 ngày thì mang ra nấu cất lấy rượu. Phần quyết định hương vị của rượu ngô nơi đây chính là men lá Na Hang, thứ men được truyền lại từ đời này sang đời khác. Men lá được làm từ hơn 20 loại lá của những vị thuốc quý tốt cho sức khỏe. Còn để tạo mùi vị đặc trưng chính là từ cây Đứa poong. Do vậy, rượu ngô thành phẩm mới thơm ngon, đọng lại hương vị lâu hơn nơi đầu lưỡi người thưởng thức. 

Sản phẩm rượu ngô Na Hang không chỉ là tâm huyết mà còn là di sản văn hóa của địa phương

Được biết, người Tày ở Na Hang nấu rượu ngô theo kiểu nấu cách thủy, chõ dùng để nấu rượu được làm từ cây muồng hoặc cây cơi, hai loại gỗ này khi nấu được nhiều rượu, không có mùi gỗ nên rượu để được lâu. Khi nấu rượu phải chọn củi tốt để đun thì lửa mới cháy đều, có vậy lượng hơi nước thoát lên đều. Trong quá trình nấu phải thường xuyên kiểm tra độ rượu, khoảng 400 là rượu ngon, xuống tới 270 thì không lấy nữa. Thường 10kg ngô sẽ cho 5 đến 6 lít rượu, nếu tốt có thể đạt tới 8 lít.

Sản phẩm rượu ngô Na Hang không chỉ là tâm huyết mà còn là di sản văn hóa của địa phương và đã trở thành sản phẩm du lịch. Nhấp một ngụm rượu ngô Na Hang, du khách sẽ cảm nhận được hết sự vất vả, sự nhọc nhằn và cả tấm chân tình của người dân địa phương. Đây không chỉ là thương hiệu, mà còn là niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và người dân Tuyên Quang nói chung.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Phương Nam