Tân Yên (Bắc Giang): Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Tân Yên vượt khó trong sản xuất nông nghiệp

Năm 2021 sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và huyện Tân Yên (Bắc Giang) nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Cùng với diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là COVID-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, dân sinh của nông dân.

Tân Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, Huyện ủy, UBND huyệnTân Yên, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chủ động của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện trong việc kịp thời tham mưu, ban hành nhiều đề án, phương án bám sát tình hình thực tế. Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp đã có sự phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả. Vì thế, trong năm qua, Tân Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Xác định phát triển sản xuất là yếu tố quan trọng nên huyện Tân yên đã chú trọng đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi; Thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển sản xuất, các địa phương áp dụng khoa học công nghệ, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết vào sản xuất và khâu tiêu thụ. Hiện nay, Tân Yên đang duy trì sản xuất tại 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ 5 ha/vùng trở lên (lúa chất lượng, lạc, rau quả thực phẩm), quy mô từ 2 ha/vùng trở lên đối với rau quả chế biến. Mở rộng diện tích sản xuất đối với một số cây rau quả thực phẩm, rau quả chế biến có giá trị kinh tế cao như: Ngô ngọt, lạc, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa bao tử, ớt,…cho giá trị thu nhập từ 140 – 520 triệu đồng/ha/vụ. 

Vú sữa là một trong những sản phẩm được huyện Tân Yên được chứng nhận đạt OCOP 4 sao

Tân yên luôn coi trọng sản xuất lúa chất lượng với diện tích 5.722 ha, chiếm 45,8% tổng diện tích lúa toàn huyện, đạt 102,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần nâng cao giá trị. Huyện cũng chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, tưới nước tự động trên cây ăn quả. 

Đặc biệt, huyện thực hiện phát triển sản xuất cây ăn quả (tổng diện tích 3.567 ha) theo hướng cải tạo, mở rộng cây có giá trị cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP với 423 ha (vải thiều sớm 348 ha, ổi 45 ha, bưởi 25 ha, vú sữa 5 ha); Duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ.

Huyện Tân Yên cũng chú trọng quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất đối với mã vùng trồng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước lân cận; Tiếp tục phát triển cây dược liệu có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: Cây đinh lăng, gấc, sâm nam, nghệ; Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện sản xuất theo chuỗi liên kết; Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; Mô hình măng lục trúc: 22 ha, sâm nam: 6 ha; Ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch trong sản xuất khoai tây; Mô hình sản xuất dưa chất lượng cao từ nguồn hỗ trợ đất lúa năm 2021.

OCOP Tân Yên thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, huyện Tân Yên (Bắc Giang) phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 20 sản phẩm OCOP mới được công nhận từ 3 sao trở lên và có ít nhất 1 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. 

Các sản phẩm bánh của HTX Hưng Phú, xã Tân Trung được chứng nhận đạt OCOP 3 sao

Năm 2021, toàn huyện có 8/8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Tân Yên, măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu, nem nướng Liên Chung, sâm nam núi Dành; 3 sản phẩm đạt 3 sao: Rượu dừa Hương Việt, Mỳ gạo Hưng Phú sợi phở, Mỳ gạo Hưng Phú sợi bún. 

Kế hoạch năm 2022, Tân Yên sẽ lựa chọn 7 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó: Phấn đấu có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, gồm Dưa lưới, Mật ong vải sớm, Nụ hoa sâm nam núi Dành, Dưa lưới Nhật, Gạo thơm Ngọc Thiện, Dưa chuột baby; và có 01 sản phẩm tham gia nâng hạng sao (từ 3 sao lên 4 sao), đó là ổi lê Tân Yên.

Bên cạnh đó, huyện lựa chọn 1-2 sản phẩm đăng ký, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, cơ sở định hướng, đăng ký ý tưởng, phát triển sản phẩm tham gia chương trình OCOP ở những năm tiếp theo. Ngoài ra, mỗi xã lựa chọn ít nhất 1 sản phẩm, phát triển đảm bảo đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025.

Ổi lê Tân Yên đang phát triển theo quy trình VietGAP, sản phẩm tham gia nâng hạng sao OCOP năm 2022 (từ 3 sao lên 4 sao)

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp huyện Tiên Yên đã xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá, dưới hình thức băng ron, áp phích, tờ rơi, tin, bài, phóng sự truyền hình, câu chuyện gắn với hình ảnh, trang Website…; và lồng ghép quảng bá sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội thảo các cấp; Tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm đăng ký xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm đã có nhãn hiệu, thương hiệu của huyện; giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức để phát triển sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hoá sản phẩm, tem nhãn, mẫu mã bao bì đóng gói đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện Tân Yên đã phối hợp cùng các phòng ban chức năng khác của huyện Tân Yên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý; Học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về thực hiện Chương trình OCOP; Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương; Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành và nâng cao năng lực quản lý, kinh nghiệm thực hiện Chương trình OCOP. 

Tân Yên đã tăng cường xúc tiến thương mại kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất… có sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP và các chủ thể có sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của huyện tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Huyện Tân Yên cũng đã tăng cường hợp tác, liên kết trao đổi thông tin giữa hệ thống các cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động xúc tiến thương mại với chủ thể sản xuất để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; Tăng cường kết nối giữa các chủ thể sản xuất với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP; Xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; Hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng Website quảng bá sản phẩm, phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử…

Năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên tiếp tục tham mưu chỉ đạo phát triển sản xuất đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch giao; Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; Mở rộng diện tích sản xuất rau quả thực phẩm, cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt tiêu chuẩn VietGAP; Duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều sớm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; Tiếp tục xây dựng và mở rộng vùng sản xuất sản phẩm đặc trưng của huyện: măng lục Trúc, sâm Nam Núi dành; Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản; Tăng cường quản lý, hỗ trợ chuyên môn nâng cao hiệu quả sản xuất tại các trang trại, gia trại.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ đất, đầu tư sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện. Tăng cường phối hợp tư vấn nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, Tổ hợp tác liên kết sản xuất,..; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy suất nguồn gốc, nâng cấp mẫu mã, bao bì đối với một số sản phẩm, tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp thu, thực hiện quy trình sản xuất tại vùng sản xuất hàng góa tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng; 

Huyện Tân Yên cũng đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá tiêu chí huyện Nông thôn mới (NTM); xã NTM. Trong năm 2022, huyện tiếp tục đăng ký và tập trung chỉ đạo 3 xã về đích NTM nâng cao (Phúc Sơn, Ngọc Châu, Quế Nham) và có từ 15 thôn trở lên phấn đấu đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu…; Lựa chọn sản phẩm đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP (phấn đấu có 5-6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, có 3-5 chủ thể đăng ký ý tưởng tham gia); Tiếp tục chỉ đạo các xã duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; Rà soát, đánh giá các chỉ tiêu tiêu chí huyện NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, xác định tiêu chí cần thực hiện và lộ trình thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao vào năm 2025.

Những thành quả của ngành nông nghiệp huyện Tân Yên trong thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới bền vững.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam-Đào Hiệp