Việt Yên (Bắc Giang): Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh địa phương

Việt Yên có 8 sản phẩm tham gia chương trình OCOP 

Năm 2022, huyện Việt Yên có 8 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Có thể kể đến Muối lạc vừng rong biển là một trong hai sản phẩm của HTX Nông nghiệp Hạnh Phúc. Đây là sản phẩm mang thế mạnh của Việt Yên, vùng trồng lạc truyền thống.

Sản phẩm Muối lạc vừng rong biển tham gia đăng ký sản phẩm OCOP huyện Việt Yên

Sản phẩm Muối lạc vừng rong biển hiện đang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân địa phương. Hiện nay việc sản xuất của hợp tác xã được bán tự động với sự hỗ trợ của máy móc trong nhiều khâu. Thông qua kênh phân phối của Công ty JoyVN, sản phẩm Muối lạc vừng rong biển và Bánh chưng Hạnh phúc đã được tiêu thụ tại nhiều siêu thị ở miền Bắc. Riêng sản phẩm muối lạc vừng rong biển mỗi tháng bình quân Hợp tác xã tiêu thụ được 10.000 lọ sản phẩm. Doanh thu một năm đạt khoảng 4 tỷ đồng…
 Bà Lê Hồng Vân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hạnh Phúc cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi tuân theo quy trình sản xuất để đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó hoàn thiện bao bì nhãn mác, đạt các tiêu chí, thuận tiện cho người tiêu dùng. Đảm bảo việc trải nghiệm sản phẩm của khách hàng được tốt nhất…”.
 Nằm trong danh sách  8 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP Việt Yên còn có sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường (thôn Râm, xã Tự Lạn) đã có những thành công quan trọng từ việc trồng dưa lưới, dưa leo trong nhà màng. Dưa ở đây được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Sản phẩm dưa lưới đã được đăng ký tem truy suất nguồn gốc và tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Bắc Giang và Hà Nội. 

Mô hình sản xuất nông sản sạch tham gia Chương trình OCOP huyện Việt Yên của HTX Xuân Trường

Năm nay Hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình OCOP của Việt Yên với sản phẩm dưa leo Xuân Trường nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm, cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao, an toàn đến tay người tiêu dùng. Để đạt tiêu chuẩn, Hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do Chính phủ ban hành; hiện đang làm thủ tục đăng ký bao bì, nhãn mác, tem truy suất nguồn gốc sản phẩm. 
 Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Trường thông tin: “Chúng tôi luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, từ bón phân đến sử dụng thuốc thực vật đểu có lịch ghi chép, đảm bảo các sản phẩm đạt được chất lượng đúng theo tiêu chuẩn được đề ra”.
 Như vậy, ngoài việc giúp các chủ thể tạo thương hiệu, OCOP, huyện Việt Yên còn giúp họ tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, an toàn khi đến tay người tiêu dùng.

Đồng hành cùng các chủ thể OCOP “gắn sao” lên sản phẩm

Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình OCOP của huyện Việt Yên, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Việt Yên đã rà soát, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia Chương trình OCOP. Phòng tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, tư vấn các chủ thể sản xuất hoàn thiện các nội dung theo tiêu chí sản phẩm OCOP. 

Mô hình sản xuất nông sản sạch tham gia Chương trình OCOP huyện Việt Yên của HTX Xuân Trường

 Từ 2019 đến nay toàn huyện Việt Yên có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP  3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm OCOP  4 sao. Với 8 sản phẩm đăng ký OCOP năm 2022, huyện hấn đấu có 4-5 sản phẩm đạt từ OCOP 3 sao trở lên. 
 Ông Ngô Đăng Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Việt Yên thông tin: “Để hướng dẫn các chủ thể tham gia OCOP chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và các cán bộ chuyên môn của huyện cử các chủ thể đi tham gia tập huấn, trực tiếp đến các cơ sở để tư vấn cùng với các chuyên gia. Hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện các nội dung còn thiếu theo tiêu chí đối với các sản phẩm, hoàn thiện các hồ sơ theo quy định”.
 Với quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, huyện Việt Yên đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết số 162 ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về xây dựng và phát triển huyện Việt Yên trở thành thị xã vào năm 2025 trên lĩnh vực nông nghiệp. 

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Hải Nhân