Yên Lập – Phú Thọ: Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP lâu dài, ổn định

Yên Lập xây dựng sản phẩm OCOP từ sản phẩm đặc trưng

Theo thống kê, huyện Yên Lập hiện có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh là Nếp gà gáy Mỹ Lung, Bưởi Xuân Thủy của HTX Bưởi Xuân Thủy. Đây là những sản phẩm đặc sản mang thương hiệu của Yên Lập và ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nông sản Việt, nhất là từ khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Có thể kể đến cây bưởi Diễn trồng theo hướng hữu cơ là một trong những sản phẩm của HTX Bưởi Xuân Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2021. Để có được những sản phẩm chất lượng cao, bên cạnh sự nỗ lực, sáng tạo của các thành viên HTX còn có sự quan tâm, tạo điều kiện của các ban ngành và tập huấn về kỹ thuật để chuẩn hóa sản phẩm. Diện tích bưởi được lựa chọn tham gia OCOP phải đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, bao tiêu sản phẩm cho người tiêu dùng…

Để có được sản phẩm bưởi đạt tiêu chuẩn, bà con xã viên HTX phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt từ khâu làm đất, chọn giống bưởi, theo dõi quy trình sinh trưởng, phát triển cho đến khâu thu hoạch. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây bưởi bà con chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học, nghiêm cấm dùng các hóa chất khác…

Bưởi của HTX Xuân Thủy có hương vị ngọt dịu, thơm mát, mang lại năng xuất, hiệu quả kinh tế gấp 2 -4 lần so với sản xuất truyền thống như trước kia. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn với giá cả hợp lý… Hiện sản phẩm bưởi của HTX đang cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai…

Gia tăng giá trị sản phẩm OCOP

Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Yên Lập, bà Đinh Thị Thúy Hường cho biết, chúng tôi đang tập trung thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

HTX Bưởi Xuân Thủy được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2021.

“Chương trình OCOP trên địa bàn huyện giải quyết các vấn đề về sản xuất nông nghiệp nông thôn, như: Đẩy nhanh việc tái cơ cấu trong nông nghiệp; ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất; thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công… Từ đó, tập thể, cá nhân có thêm điều kiện để tạo ra sản phẩm OCOP cho năng suất cao, chất lượng tốt”, bà Hường cho hay.
Thời gian qua, huyện Yên Lập đã tập trung nguồn lực, động viên chủ thể, hộ kinh doanh, HTX ở các địa phương chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gian hàng trưng bày và bán sản phẩm gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung.

Tuy nhiên, một số người dân nhận thức còn hạn chế không muốn tham gia chương trình này do chưa hiểu được những lợi ích khi đạt sản phẩm OCOP như: Thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời góp phần gia tăng cả chất và lượng sản phẩm…

Đứng trước thực trạng trên, phòng nông nghiệp huyện Yên Lập đã phân công cán bộ chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về chương trình OCOP là hình thành và tái cấu trúc HTX, doanh nghiệp vùng nông thôn. Từ đó, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Theo kế hoạch, năm 2022 huyện Yên Lập phấn đấu có thêm 4 sản phẩm OCOP. Trong đó, có sản phẩm Đông trùng Hạ thảo khô – Đông trùng Hạ thảo Mật ong của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Nguyên Phát; sản phẩm rượu Thảo Xuân xã Mỹ Lung; Mật ong Đồng Lạc, xã Đồng Lạc. Bên cạnh đó, huyện Yên Lập cũng đang tích cực tuyên truyền và khuyến khích các xã, các đơn vị, cơ sở sản xuất phát triển các sản phẩm bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương.

Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất và chế biến sản phẩm chủ lực, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến…
Theo đó, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện kiểu dáng, bao bì sản phẩm,… bảo đảm thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Chú trọng xây dựng kênh phân phối, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP lâu dài, ổn định.

NGUỒN:

Theo OCOP Việt Nam – Hải Nhân